Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, các nước trong khu vực châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore), cũng như các nước ở khu vực khác (Mỹ, Úc, Canada, CHLB Đức ) đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, với các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất hiện đại với những dây chuyền tự động hóa tiên tiến ở mức độ cao và tự động hóa linh hoạt. Điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn về “Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa” để làm chủ các dây truyền sản xuất hiện đại đáp ứng được yêu cầu trong lao động sản xuất là cần thiết.

 

Hình 1: Dây truyền tự động hóa của Siemens

Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công ngiệp 4.0 trở nên có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới và thu hút sự quan tâm đặc biệt của những chuyên gia cũng như các bạn trẻ có niềm đam mê về sáng tạo trong khoa học kĩ thuật. Ở nước ta nó cũng thể hiện sự ảnh hưởng rõ nét: Các bạn trẻ đang ngày càng có xu hướng quan tâm lựa chọn theo học các ngành, chuyên ngành thuộc khối kỹ thuật. Khối ngành kĩ thuật không những chỉ có các bạn nam quan tâm theo học mà còn thu hút được sự chú ý của nhiều bạn nữ. Đây không phải là một trào lưu xã hội nhất thời mà điều này thể hiện nhu cầu về nguồn nhân lực trong các ngành kỹ thuật của xã hội, cũng như xu hướng phát triển tất yếu của nền công nghiệp trong tương lai.

Sự chuyển hướng này thể hiện đúng định hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đó là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hình 2: Thiết bị tự động hóa

Việt Nam có quy mô dân số trên 96 triệu người, đứng thứ 14 thế giới, thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, có thể nói Việt Nam có nguồn nhân lực tương đối dồi dào, và đang trong thời kỳ dân số vàng. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi của Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Với số lượng nhân lực đông, dồi dào thì chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của Việt Nam cũng có thể được xem là thế mạnh trong quá trình Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam có gần 12 triệu nhân lực đã qua đào tạo, có trình độ từ đào tạo nghề trở lên, trong đó nhân lực có trình độ từ đại học trở lên có khoảng hơn 5 triệu người, chiếm 44% trong tổng số nhân lực đã qua đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh lực lượng lao động đã qua đào tạo, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo chiếm một tỷ lệ khá cao (78.3%). Đây thực sự là rào cản, hạn chế lớn của nhân lực Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này. Đồng thời, những hạn chế này đã đưa đến nhiều hệ lụy khác như năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh cũng như giá trị nguồn nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động không cao. Chính vì vậy nguồn nhân lực của nước ta, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao lại thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu.

Cách mạng công nghiệp  4.0 với những công nghệ mới được tạo ra, đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Điều này là thách thức rất lớn đối với nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

 

Hình 3: Tự động hóa 4.0

Robot hóa và tự động hóa được dự đoán là một trong những yếu tố khoa học - công nghệ hàng đầu sẽ tạo ra những tác động trực tiếp đến lực lượng lao động toàn cầu. Thực tế, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những tác động nhất định đến thị trường lao động Việt Nam, và lực lượng lao động cần chuẩn bị gì để kịp thời thích ứng.

Các chuyên gia tự động hóa cho biết trong tương lai doanh nghiệp họ ưu tiên nhất việc “phát triển tự động hóa” hoặc “tuyển dụng nhân lực có kỹ năng phù hợp với công nghệ mới”. Điều này cho thấy nhà tuyển dụng đã có ý thức về xu hướng này và đang chuẩn bị để sẵn sàng đón đầu những công nghệ mới.

Đối với người lao động, tự động hóa sẽ gây ra thay đổi lớn nhất cho ngành sản xuất vì khả năng thay thế lao động giản đơn. Tuy nhiên, thay vì lo lắng với sự cạnh tranh của máy móc, người lao động cần chủ động phát triển những kỹ năng cần thiết.

Năng lực thiết yếu để phát triển là “Độ nhạy bén với vấn đề” và quan trọng không kém là “năng lực sáng tạo và sự linh hoạt” trong suy nghĩ, ứng xử. Bên cạnh đó, với việc kiến thức phát triển không ngừng, chủ động học hỏi trở thành kỹ năng cơ bản cần thiết nhất, theo sau là kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông. Ngoài ra, bản chất công việc thay đổi sẽ đòi hỏi về những kỹ năng phức tạp hơn ở người lao động, với 3 kỹ năng được dự đoán là: hợp tác với người khác, kỹ năng quản lý con người, trí tuệ cảm xúc.

Việc bổ sung và phát triển những năng lực và kỹ năng này sẽ giúp con người có khả năng làm chủ máy móc, ứng dụng sáng tạo và áp dụng công nghệ trong công việc. Công nghệ là sản phẩm của con người, chính vì vậy, khi công nghệ phát triển thì con người chắc chắn không thể đứng im. Việc lực lượng lao động cần làm chính là không ngừng phát triển bản thân để sẵn sàng nắm lấy mọi cơ hội mà công nghệ mang tới trong thời đại 4.0.

Hình 4: Dây chuyền sản xuất tự động hóa linh hoạt

Tự động hóa trong các quá trình sản xuất cho phép giảm giá thành và nâng cao năng suất lao động. Trong mọi thời đại, các quá trình sản xuất luôn được điều khiển theo các qui luật kinh tế. Có thể nói giá thành là một trong những yếu tố quan trọng xác định nhu cầu phát triển tự động hóa. Không một sản phẩm nào có thể cạnh tranh được nếu giá thành sản phẩm cao hơn các sản phẩm cùng loại, có tính năng tương đương với các hãng khác.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với các hiện tượng như lạm phát, chi phí cho vật tư, lao động, quảng cáo và bán hàng ngày càng tăng buộc công nghiệp chế tạo phải tìm kiếm các phương pháp sản xuất tối ưu để giảm giá thành sản phẩm. Mặt khác nhu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ làm tăng mức độ phức tạp của quá trình gia công. Khối lượng các công việc đơn giản cho phép trả lương thấp sẽ giảm nhiều. Chi phí cho đào tạo công nhân và đội ngũ phục vụ, giá thành thiết bị cũng tăng theo. Đây là động lực mạnh kích thích sự phát triển của tự động hóa. Với sự ra đời tiếp theo của PLC và máy tính cùng với sư phát triển khoa học điều khiển... hệ thống sản xuất linh hoạt như yêu cầu ở trên đã trở thành hiện thực và trở nên phổ biến. Tự động hóa được ứng dụng rộng rãi đến hầu hết mọi lĩnh vực kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại nhất cho sản xuất và nó càng trở nên cần thiết hơn trong kỷ nguyên của khoa học công nghệ 4.0.

Vì vậy, Tự động hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Ngành này đòi hỏi con người có tính sáng tạo, từ đó cho ra đời nhiều sản phẩm hiện đại hơn phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các nhà máy.

 

NGUỒN THAM KHẢO

[1]. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Tác động Cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực  của Việt Nam, năm 2018.

[2]. Nguyễn Thượng Cát, Công nghệ tự động hóa trong thời đại mới, Tạp chí tự động hóa ngày nay, số 119.

 

Bộ môn KT Điều khiển và Tự động hóa