Hiện nay, Việt Nam và thế giới đang trong thời kỳ phát triển nhanh về khoa học và công nghệ, trong khi nguồn nhân lực lĩnh vực này lại thiếu hụt. Vì vậy, khối ngành kỹ thuật, điển hình như ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đang là sự lựa chọn hàng đầu của các sinh viên trẻ, năng động, đam mê công nghệ khoa học kỹ thuật, có sở trường là các môn học khối A: Toán, Vật lý, Hóa học và khối A1: Toán, Vật lý, Anh Văn.
Ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông là ngành sử dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tạo nên các thiết bị vệ tinh, cáp và thiết bị điện tử như: máy thu hình, điện thoại, máy tính cá nhân, máy tính bảng,… nhằm xây dựng hệ thống mạng thông tin liên lạc trên toàn cầu, giúp cho việc trao đổi thông tin giữa con người với nhau diễn ra thuận lợi trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau.
Thông tin cụ thể về ngành học này như sau:
Tên ngành (tiếng Việt): Kỹ thuật điện tử-viễn thông
Tên ngành (tiếng Anh): Electronics and Communication Engineering
Mã ngành: 52520207
Thời gian đào tạo: 5 năm, chia thành 10 học kỳ. Học kỳ cuối dành cho thực tập tốt nghiệp, làm đồ án tốt nghiệp và tốt nghiệp.
Văn bằng được cấp: Kỹ sư Kỹ thuật điện tử, truyền thông.
Theo học ngành Kỹ thuật điện tử-viễn thông, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chuyên môn về lĩnh vực điện tử, truyền thông và có khả năng tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật điện tử tiên tiến như mạng không dây; mạng truyền số liệu; vi ba số; hệ thống phát thanh truyền hình; công nghệ phân tích và xử lý tín hiệu, âm thanh, hình ảnh. Sinh viên có khả năng tiếp cận, nắm bắt các công nghệ, kỹ thuật điện tử tiên tiến và hoạt động của mạng truyền thông hiện đại; đồng thời có khả năng thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông.
Các môn học chuyên ngành tiêu biểu và đặc trưng của ngành Kỹ thuật điện tử, viễn thông mà sinh viên được tiếp cận như: Hệ thống thông tin số, Kỹ thuật siêu cao tần và anten, Kỹ thuật viễn thông, Thông tin di động, Quản trị mạng, An toàn và bảo mật hệ thống thông tin,…
Ngoài ra, tại tại Viện kỹ thuật và công nghệ - Trường Đại học Vinh sinh viên còn được rèn luyện phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy hệ thống và tư duy phân tích, kỹ năng trình bày, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả.
Học ngành Kỹ thuật điện tử, viễn thông ra trường làm gì?
Theo thống kê, nhóm ngành Cơ khí - Điện - Điện tử là 1 trong 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao, đều đặn qua các năm và trong tương lai. Trong đó số lượng việc làm dành cho các kỹ sư Kỹ thuật điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ra trường đang ngày càng phong phú cùng với mức thu nhập cao và ổn định tại các vị trí quan trọng như:
- Chuyên viên tư vấn, thiết kế, vận hành, điều hành kỹ thuật tại các đài phát thanh, đài truyền hình, công ty tư vấn thiết kế mạng viễn thông, công ty thiết kế sản xuất vi mạch, công ty sản xuất các thiết bị điện tử viễn thông
- Chuyên viên thiết kế, quy hoạch mạng và tối ưu mạng tại các công ty viễn thông
- Chuyên viên thiết kế truyền dẫn, vận hành, bảo trì tại các công ty điện tử, viễn thông, công ty sản xuất phần mềm thế giới di động,…
- Có thể đảm nhận vai trò Giám đốc kỹ thuật, Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, truyền thông,…
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư Kỹ thuật điện tử, viễn thông còn có khả năng tự học và nâng cao trình độ học vấn ở các bậc học Thạc sĩ, Tiến sĩ…
Ra trường, làm việc ở đâu?
- Các Viện, Trung tâm: Viện Công nghệ Viễn thông, Viện Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin (CNTT), Viện Ứng dụng công nghệ, Viện Nghiên cứu Điện tử – tin học – Tự động hóa, Viện Điện tử – Kỹ thuật quân sự, Các TT. Thông tin, TT. Viễn thông trên toàn quốc.
- Các Cục, Vụ: Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Ứng dụng CNTT, Cục CNTT và Thống kê hải quan, Vụ Bưu chính, vụ Viễn Thông, Vụ Công nghiệp CNTT, Vụ Khoa học công nghệ,…
- TCT Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT, Vinaphone,…), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, TCT Truyền thông đa phương tiện Việt Nam… và hàng loạt công ty, đơn vị trực thuộc: Cty Điện tử viễn thông hàng hải, Cty Điện tử viễn thông VTC, Cty Phát triển CNTT VTC, các Cty Viễn thông liên tỉnh, quốc tế, các cơ quan an ninh, quốc phòng, hệ thống các đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương,…
- Các phòng chức năng: Bưu chính viễn thông, Quản lý viễn thông.. tại các Sở Bưu chính viễn thông, Bưu điện,… ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Giảng dạy tại các Trường ĐH, CĐ, THCN có đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông.
Người nào nên học ngành Kỹ thuật điện tử, viễn thông?
Là những người có các tố chất sau:
- Sống thực tế, thích hành động hơn là suy nghĩ;
- Thích làm việc với máy móc, thiết bị, công cụ;
- Thích tìm tòi và đam mê cập nhật những tiến bộ mới của thiết bị, công nghệ, kỹ thuật số;
- Yêu thích các sản phẩm công nghệ: Điện thoại đi động, máy tính bảng, tivi thông minh, máy tính xách tay, các thiết bị không dây,…
Học ở đâu? Điểm trúng tuyển?
Hiện tại, Viện kỹ thuật và công nghệ, Trường Đại học Vinh đang tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử, viễn thông cho 2 khối A và A1. Năm 2015, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành Kỹ thuật điện tử, viễn thông là 15 điểm; Năm 2016 cũng 15 điểm. Năm 2017, Viện kỹ thuật và công nghệ - Trường Đại học Vinh sẽ thực hiện tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử, viễn thông với chỉ tiêu 200 sinh viên.
Thông tin chi tiết xin liên hệ:
Viện Kỹ thuật và công nghệ, Trường Đại học Vinh
Địa chỉ: Tầng 1, Nhà A0, 182 Lê Duẩn, TP Vinh, Nghệ An
Điện thoại cố định: (0238) 3.855.452 - máy lẻ 246; (0238) 3.855.976 - máy lẻ 246
Điện thoại di động: 0948257789 – P. Viện trưởng Hoàng Hữu Việt
0964886709 – Trưởng Bộ môn Trịnh Ngọc Hoàng
Website: http://vienktcn.vinhuni.edu.vn